Phương pháp thi công Bấc thấm
Bấc thấm có tác dụng dùng để gia cố nền đất yếu. Phương pháp thi công bấc thấm bao gồm nhiều bước:
Thi công đệm cát trên đầu bấc thấm
Phải thi công tầng đệm cát trước khi thi công cắm bấc thấm. Tầng đệm cát này thường làm bằng cát thô hoặc cát trung và có chiều dày từ 0,5 m đến 0,6 m.
Việc thi công tầng đệm cát phải tuân theo các quy định và quy trình đắp nền (mỗi lớp từ 25 cm đến 30 cm). Độ chặt đầm nén của đệm cát phải thỏa mãn hai điều kiện:
+ Máy thi công di chuyển và làm việc ổn định;
+ Phù hợp độ chặt K theo thiết kế.
Phía trên tầng đệm cát phải có lớp cát hạt trung để phủ kín bấc thấm với chiều dày tối thiểu là 25 cm (không đắp trực tiếp đất loại sét trên đầu bấc thấm).
Tầng lọc ngược ở phía thấm ra ngoài mái dốc của tầng đệm cát phải được thi công sau khi thi công cắm bấc thấm và trước khi đắp gia tải (tức là trước khi cho nước từ bấc thấm qua tầng đệm cát ra ngoài).
Lớp phủ bảo vệ tầng đệm cát phía mái dốc nền đắp (nếu có) được thi công trước khi bắt đầu dỡ tải.
CHÚ THÍCH: Trường hợp trên mặt gặp lớp đất tốt, máy cắm bấc thấm hoạt động được thì có thể làm lớp đệm cát sau khi cắm xong bấc thấm.
Thi công cắm bấc thấm
Thiết bị cắm bấc thấm có các đặc trưng kĩ thuật sau:
+ Trục tâm để lắp bấc thấm có tiết diện 60 mm x 120 mm, dọc trục có vạch chia đến xentimét để theo dõi chiều sâu cắm bấc thấm và phải có quả dọi để thường xuyên kiểm tra độ thẳng đứng khi cắm bấc thấm vào lòng đất;
+ Máy phải có lực đủ lớn để cắm bấc thấm đến độ sâu thiết kế.
Thiết kế trước sơ đồ di chuyển làm việc của máy cắm bấc thấm trên mặt bằng của đệm cát theo nguyên tắc:
+ Khi di chuyển, máy không được đè lên những đầu bấc thấm đã thi công.
+ Hành trình di chuyển máy là ít nhất.
Trước khi thi công chính thức, đơn vị thi công phải tổ chức thi công thí điểm trên một phạm vi đủ để máy di chuyển hai lần đến ba lần khi thực hiện các thao tác cắm bấc thấm.
+ Việc thi công phải có sự chứng kiến của tư vấn giám sát và trong quá trình thí điểm phải có sự theo dõi kiểm tra. Kiểm tra mỗi thao tác thi công và mức độ chính xác của việc cắm bấc thấm (độ thẳng đứng, đúng vị trí và bảo đảm độ sâu);
+ Thi công thí điểm đạt yêu cầu thì mới được thi công chính thức.
Trình tự thi công cắm bấc thấm như sau:
– Định vị tất cả các điểm sẽ phải cắm bấc thấm bằng máy đo đạc thông thường theo hàng dọc và ngang đúng với thiết kế, đánh dấu vị trí định vị, công việc này cần làm cho từng ca máy;
– Đưa máy cắm bấc thấm vào vị trí theo đúng hành trình đã vạch trước. Xác định vạch xuất phát trên trục tâm để tính chiều dài thấm bấc được cắm vào đất, kiểm tra độ thẳng đứng của trục tâm bằng dây dọi hoặc bằng thiết bị con lắc đặt trên giá máy ép;
– Lắp bấc thấm vào trục tâm và điều khiển máy đưa đầu trục tâm đến vị trí cắm bấc thấm;
– Gắn đầu neo vào đầu bấc thấm với chiều dài bấc thấm được gấp lại tối thiểu là 30 cm và được ghim bằng ghim thép. Các đầu neo phải có kích thước phù hợp với bấc thấm. Kích thước của đầu neo thường là 85 mm x 150 mm bằng tôn dày 0,5 mm;
– Cắm trục tâm đã được lắp bấc thấm đến độ sâu thiết kế với tốc độ đều trong pham vi từ 0,2 m/s đến 0,6 m/s. Sau khi cắm bấc thấm xong, kéo trục tâm lên (lúc này đầu neo sẽ giữ bấc thấm lại trong lòng đất). Khi trục tâm đã được kéo lên hết, dùng kéo cắt đứt bấc thấm, còn lại 20 cm đầu bấc thấm nhô lên trên lớp đệm cát và quá trình bắt đầu lại từ đầu đối với một vị trí cắm bấc thấm tiếp theo.
Khi thi công gặp những điều bất thường thì phải báo cáo xin ý kiến tư vấn giải quyết.
Phải vẽ sơ đồ và ghi chép chi tiết mỗi lần cắm bấc thấm về vị trí, chiều sâu, thời điểm thi công và các sự cố xảy ra trong quá trình thi công.
Sau khi cắm bấc thấm xong phải dọn dẹp sạch các mảnh vụn bấc thấm rơi vãi trên mặt bằng tiến hành đắp lớp cát phủ kín đầu bấc thấm.
Đắp vật liệu gia tải và dỡ tải
Đắp gia tải tuân theo các chỉ dẫn trong thiết kế về vật liệu đắp, về thời gian và về tải trọng của từng giai đoạn.
Thường xuyên quan sát xem có nước thoát ra ngoài không. Cần có biện pháp tạo đường thoát thuận tiện cho nước lỗ rỗng từ nền đất yếu được ép thoát lên rồi chảy ra ngoài phạm vi nền đắp. Nếu cần (có ý kiến của giám sát viên tư vấn) có thể tạo hố tập trung nước và dùng bơm hút đi. Trường hợp thật cần thiết và điều kiện kĩ thuật cho phép, có thể dùng phương pháp hút chân không để hút thoát nước thật nhanh.
Phải đặt mốc đo và tiến hành quan trắc lún, đo chuyển vị ngang và đo áp lực nước lỗ rỗng theo quy trình của thiết kế quy định.
Khi hết thời gian gia tải, độ lún của nền đắp tương ứng với độ lún tính toán thiết kế, tư vấn giám sát thiết kế cho phép dỡ tải. Công tác dỡ tải phải tiến hành theo từng lớp (tránh dỡ cục bộ gây mất ổn định nền đắp). Khi dỡ tải đến độ cao thiết kế, phải dọn sạch các vật liệu không phù hợp.
Kiểm tra và nghiệm thu công trình
Kiểm tra, nghiệm thu chất lượng bấc thấm
– Bấc thấm phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng;
– Mỗi lô hàng phải có chứng chỉ xuất xưởng và kiểm tra chất lượng kèm theo. Khối lượng kiểm tra trung bình 10 000 m thí nghiệm một mẫu hoặc khi thay đổi lô hàng nhập;
– Phải ghi lại chiều dài mỗi cuộn bấc thấm và quan sát bằng mắt thường xem bấc có bị gãy lõi không.
Kiểm tra nghiệm thu chất lượng đệm cát
– Đệm cát phải bảo đảm chất lượng.
– Đối với vật liệu cát làm đệm cứ 500 m³ phải thí nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu một lần.
– Độ chặt của đệm cát được kiểm tra theo quy định.
– Chiều dày của đệm cát không được nhỏ hơn chiều dày thiết kế.
Kiểm tra nghiệm thu chất lượng thi công bấc thấm
Máy cắm bấc thấm phải đủ năng lực làm việc theo yêu cầu của thiết kế
Kiểm tra kích thước các đầu neo, ghim thép và các thao tác thử dụng cụ ghim thép (mỗi ca máy kiểm tra một lần).
Trong quá trình thi công bấc thấm, đối với mỗi lần cắm bấc thấm đều phải kiểm tra các nội dung sau:
– Vị trí cắm bấc thấm không được sai với thiết kế quá 15 cm;
– Bấc thấm phải cắm thẳng đứng, không được lệch quá 5 cm so với chiều thẳng đứng;
– Chiều dài bấc thấm không được sai với chiều dài thiết kế quá 1 %;
– Đầu bấc thấm nhô lên mặt đệm cát tối thiểu là 20 cm, tối đa là 25 cm;
Thi công xong bấc thấm phải có biên bản và bản vẽ hoàn công theo quy định.
Kiểm tra nghiệm thu chất lượng thi công vải địa kỹ thuật
– Vải địa kĩ thuật phải đạt các thông số;
– Lô hàng nhập phải có chứng chỉ xuất xưởng về chất lượng kèm theo. Khối lượng kiểm tra trung bình 10 000 m² thí nghiệm một mẫu hoặc khi thay đổi lô hàng nhập;
– Vải địa kỹ thuật phải rải đúng vị trí thiết kế, thi công cẩn thận, không được làm rách làm thủng.
Kiểm tra nghiệm thu các thiết bị quan trắc
– Các thiết bị quan trắc như mốc chuẩn, mốc dẫn, mốc đo lún, mốc đo chuyển vị ngang, thiết bị đo áp lực nước lỗ rỗng phải bảo đảm đúng chất lượng quy định;
– Những tài liệu kết quả quan trắc phải thực hiện đúng theo yêu cầu thiết kế.
Đánh giá hiệu quả gia cố nền đất yếu bằng bấc thấm
– Căn cứ vào độ lún thực tế để đánh giá hiệu quả sử dụng bấc thấm. Nếu độ lún thực tế gần đúng với độ lún thiết kế tính toán thì việc sử dụng bấc thấm là đúng, có hiệu quả và ngược lại;
– Căn cứ vào chuyển vị ngang và hiện tượng nén trồi đất ra xung quanh (tức là vấn đề ổn định của nền) để đánh giá việc đắp gia tải là phù hợp hay không. Nếu đất bị nén trồi hoặc bị trượt thì phải có giải pháp xử lý kịp thời;
– Căn cứ vào lượng nước được ép thoát ra và áp lực nước lỗ rỗng giảm đi để đánh giá hiệu quả của việc gia tải. Nếu lượng ép thoát nước lỗ rỗng càng nhiều thì việc sử dụng bấc thấm càng có hiệu quả.
Cần thiết phải kiểm tra đánh giá hiệu quả một cách toàn diện việc gia cố nền bằng bấc thấm thoát nước sau các giai đoạn thi công và cuối cùng là sau khi dỡ tải nén trước để có số liệu chính thức thiết kế nền móng công trình.
Tư vấn thiết kế quy định các thí nghiệm kiểm tra đất nền sau khi gia cố (có thể khoan lấy mẫu để thí nghiệm, tiến hành thí nghiệm xuyên hoặc cắt cánh tại hiện trường để kiểm tra).
Việc nghiệm thu công trình gia cố nền đất yếu bằng bấc thấm thoát nước phải được thực hiện theo quy định trong tiêu chuẩn quản lý chất lượng công trình xây dựng hiện hành.